Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên trong những năm qua, so với trồng trọt thì chăn nuôi dường như chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức về chính sách, cơ chế, kinh phí... trong hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất.
Để chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững cần thay thế dần quy mô nhỏ lẻ thành quy mô vừa và lớn.
Tại hội thảo khoa học "Vai trò của khoa học và công nghệ trong tái cơ
cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững vùng đồng
bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Võ Anh Khoa -
Trưởng Bộ môn Chăn nuôi Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường
Đại học Cần Thơ đã phát biểu một số nội dung liên quan đến tái cơ cấu
chăn nuôi trong xu thế hội nhập TPP.
Tại ĐBSCL, mặc dù gần đây có sự chuyển biến rõ nét về quy mô đàn trong
cơ cấu chăn nuôi, nhờ vào các chủ trương mới trong chương trình tái cơ
cấu nông nghiệp của địa phương và sự đầu tư của các trang trại, công ty
(theo hệ thống gia công), nhưng tầm vóc và hiệu quả chăn nuôi ở ĐBSCL
vẫn còn thua xa các tỉnh miền Đông Nam bộ. Theo PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa,
nguyên nhân chủ yếu là do: tập quán sản xuất, chi phí đầu tư xây dựng
(cấu trúc đất), thị trường tiêu thụ (thu nhập thấp, quy mô nhỏ lẻ, thực
phẩm tự nhiên); giá thành sản phẩm (vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm
sau giết mổ, đồng nhất chất lượng...; biên độ dao động của giá cả thị
trường, kiểm soát dịch bệnh quy mô nhỏ lẻ, xuất khẩu), vốn đầu tư, kỹ
thuật, chất lượng con giống...
Đề cập đến vấn đề tái cơ cấu chăn nuôi trong xu thế hội nhập Hiệp định
đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa cho rằng, để
chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững cần thay thế dần quy mô nhỏ lẻ
thành quy mô vừa và lớn trong mối liên kết chuỗi giá trị sản xuất - chế
biến - kinh doanh sản phẩm chăn nuôi. Điều này cần được thực hiện quy mô
cấp vùng chứ không chỉ riêng một địa phương nào cả. Bởi chi phí đầu tư,
nguồn vốn lưu động (duy trì sản xuất trong nhiều năm liên tục, tái
đàn...) và giá trị tài sản chăn nuôi là khá lớn. Đầu tư hỗ trợ chăn nuôi
(chính sách, vốn...) vì thế cũng cần chú ý vào các trang trại/doanh
nghiệp... vì họ có ý tưởng, kinh nghiệm và tư duy phát triển tốt. Như
thế mức độ an toàn, bảo tồn nguồn vốn sẽ chắc chắn hơn.
Trong xu thế hội nhập TPP, giá cả thị trường nguyên liệu và sản phẩm
chăn nuôi có thể sẽ dao động theo biên độ hẹp và ổn định hơn, giúp người
chăn nuôi tiên đoán giá thành để có kế hoạch tổ chức sản xuất hợp lý
(tăng - giảm đàn, hướng sản xuất...). Bước vào cuộc chơi TPP nghĩa là
biên giới của thị trường sản phẩm và thị trường lao động sẽ rộng hơn. Cơ
hội và thách thức sẽ đính kèm. Sự sáp nhập của các công ty trong nước
sẽ làm đối trọng với các công ty ngoài nước, hoặc sự thâu tóm các doanh
nghiệp nhỏ... là điều có thể xảy ra trong tương lai gần.
Chia sẻ về vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất chăn
nuôi bền vững, PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa nhận định, ngày nay chăn nuôi cũng
không thể tách rời khỏi đời sống cơ bản và ngày càng cao của con người.
Sản phẩm chăn nuôi thông thường (thịt, trứng, sữa...), cả lượng và chất
ngày càng được chú trọng cho người già và trẻ con, kể cả đối với những
gia đình có thu nhập thấp. KHCN là động lực để phát triển kinh tế - xã
hội. Để KHCN đi vào sản xuất chăn nuôi có hiệu quả hơn, đầu tư nghiên
cứu chăn nuôi cần phải dựa trên quy hoạch tổng thể, xác định cây thức ăn
và con giống chủ lực của vùng.
Song song đó, tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật
giữa các địa phương để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, tránh
trùng lắp, giảm thiểu chi phí đầu tư. Nghiên cứu tạo ra các sản phẩm
chăn nuôi (giống, thịt, trứng, sữa...) có những ưu điểm riêng để không
cạnh tranh với các sản phẩm nhập nội, đồng thời có thể xuất khẩu tốt (ví
dụ: giống lai có sức đề kháng và chất lượng thịt thơm ngon, chăn nuôi
hữu cơ/an toàn sinh học...).
Thực hiện các chương trình nghiên cứu quy mô cấp vùng dựa trên sự kết
hợp kinh phí và phối hợp thực hiện của các bộ, ngành trung ương và các
địa phương. Giải quyết dứt điểm từng bước một và từng vấn đề một, tránh
đầu tư nghiên cứu rời rạc, không có chiều sâu hay đầu tư nửa vời; khâu
đầu tiên của chăn nuôi là giải quyết vấn đề con giống, kế đến là thức ăn
và các vấn đề khác.
Việc chuyển giao công nghệ và tiến bộ đến tay người chăn nuôi phải mang
tính lặp lại, quy trình đồng bộ, đảm bảo chương trình/dự án khi kết
thúc thì người chăn nuôi vẫn tiếp tục thực hiện và sống được với ngành;
xây dựng trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thiết lập kênh liên kết
chuỗi giá trị, giới thiệu và quảng bá sản phẩm chăn nuôi khu vực. Phát
triển chăn nuôi không chỉ tập trung vào các loài vật cung cấp thực phẩm
mà còn có thể phát triển các loài vật khác để giảm mức độ cạnh tranh,
nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi hoặc để phát triển các công nghệ
khác (thuốc và biệt dược điều trị cho người, sản phẩm khác ngoài thịt,
trứng sữa...).
Các địa phương nên xây dựng Trung tâm nghiên cứu - Chuyển giao khoa học
cấp vùng hoặc dựa vào thế mạnh của các trường đang đứng chân trên địa
bàn để đặt hàng sản phẩm. Trong đó, có cam kết hiệu quả và giá trị
thương mại hóa sản phẩm khoa học, tránh tình trạng lãng phí nguồn lao
động và tài chính. Đến nay, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của địa
phương và các địa phương chưa nhịp nhàng và chặt chẽ. Vì vậy, vai trò
của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần phải thể hiện một cách mạnh mẽ và rõ nét
hơn để nâng cao tầm vóc, sức mạnh của KHCN trong đổi mới sản xuất, đưa
hệ thống chăn nuôi nói riêng và hệ thống nông nghiệp nói chung lên một
tầm cao mới.
Theo Báo Đồng Tháp ngày 18/11/2015